Lễ cúng ông Công, ông Táo và những lưu ý phải ghi nhớ

Lễ cúng ông Công, ông Táo và những lưu ý phải ghi nhớ

Theo phong tục của người Việt, 23 tháng Chạp là ngày cúng ông Công, ông Táo để tri ân các vị thần đã cai quản nếp sinh hoạt của gia đình, cũng như để báo cáo công việc bếp núc và làm ăn trong suốt một năm qua. Là một tín ngưỡng quan trọng, việc cúng ông Công, ông Táo ra sao để đảm bảo tính chu toàn và không phạm lỗi cũng là điều được mọi người quan tâm. Vì vậy, bài viết sau sẽ cung cấp bạn những lưu ý phải ghi nhớ trong lễ cúng ông Công, ông Táo truyền thống.

1

Chuẩn bị đầy đủ đồ cúng

Lễ vật để cúng ông Công, ông Táo không cần phải quá cầu kỳ, nhưng phải thể hiện được tấm lòng thành kính của gia chủ đối với các vị thần linh. Bạn có thể chuẩn bị lễ chay hoặc lễ mặn, tùy theo hoàn cảnh của gia đình. Theo phong tục, lễ vật trong ngày cúng ông Công, ông Táo thường có:

  • 3 bộ quần áo cúng có hoa văn khác nhau (2 bộ dành cho vị thần nam, 1 bộ cho vị thần nữ).
  • Cá chép, gà luộc, xôi, thịt luộc (hoặc chân giò).
  • Trầu cau, tiền vàng, nước, rượu, trái cây.
Lễ cúng ông Công, ông Táo và những lưu ý phải ghi nhớ
Lễ vật để cúng ông Công, ông Táo không cần phải quá cầu kỳ, nhưng phải thể hiện được tấm lòng thành kính của gia chủ đối với các vị thần linh

Nếu không có nhiều thời gian hoặc chi phí hạn hẹp, bạn chỉ cần chuẩn bị lễ vật đơn giản. Ngược lại, nếu dư dả về mặt tài chính lẫn thời gian, bạn nên làm một mâm cỗ thịnh soạn để bày tỏ sự biết ơn và thành tâm của mình với các vị Táo quân.

2

Đặt mâm cúng đúng vị trí

Lễ cúng ông Công, ông Táo và những lưu ý phải ghi nhớ
Mâm cúng ông Công, ông Táo có thể đặt ở ngay bàn thờ gia tiên hoặc bếp của mỗi hộ gia đình

Mâm cúng ông Công, ông Táo có thể đặt ở ngay bàn thờ gia tiên hoặc bếp của mỗi hộ gia đình (trong trường hợp bạn ở chung cư). Mặc dù nhiều người vẫn có thói quen đặt mâm cúng ông Công, ông Táo ở dưới bếp, nhưng điều này lại không đúng với phong tục và quy tắc thờ cúng lâu đời của dân tộc. Ngoài ra, bạn không nên đặt mâm cúng ở bàn thờ Phật, và việc lập một bàn thờ riêng cho Táo quân cũng là điều không cần thiết.
Trước khi tiến hành làm lễ cúng, bàn thờ cần được dọn dẹp sạch sẽ. Sau khi cúng, các gia đình có thể tháo bàn thờ để lau rửa và hóa bớt chân hương trước ngày 30 Tết. Theo phong tục, trong những ngày này bạn nên không thắp nhang để tránh rước “vong linh cô hồn” vào nhà.

3

Thời gian cúng và văn khấn cúng ông Công, ông Táo

Theo quan niệm dân gian, lễ cúng ông Công, ông Táo nên được tiến hành trước 12 giờ trưa để các vị thần kịp báo cáo. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại như hiện nay, đây không phải là điều bắt buộc phải tuân thủ. Vì vậy, bạn có thể cúng ông Công, ông Táo vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày 23 tháng Chạp.
Khi cúng, bạn cần bắt đầu với việc khấn “Nam Mô A Di Đà Phật” 3 lần, lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Ngài Đông trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân. Sau đó, bạn xưng tên, địa chỉ đang sinh sống và trình bày lý do cúng với sự thành tâm của mình. Cuối cùng, bạn khấn 3 lần “Nam Mô A Di Đà Phật” là được.

Lễ cúng ông Công, ông Táo và những lưu ý phải ghi nhớ
Theo quan niệm dân gian, lễ cúng ông Công, ông Táo nên được tiến hành trước 12 giờ trưa để các vị thần kịp báo cáo

Tùy theo từng gia đình và mỗi địa phương mà bài văn khấn cúng ông Công, ông Táo sẽ có sự khác nhau nhất định. Tuy nhiên bạn cần lưu ý rằng khi cúng, bạn không nên cầu xin phú quý, mà chỉ mong các vị thần linh ân xá lỗi lầm và phù hộ các thành viên trong gia đình sức khỏe, an khang.

4

Nghi thức thả cá chép sau khi cúng

Trong quá trình cúng ông Công, ông Táo, khi nhang cháy hết ⅔ thì bạn có thể đem vàng mã đi hóa và mang cá chép đi phóng sinh. Bạn lấy một tờ giấy đỏ sạch sẽ gói phần tro của vàng mã đã hóa cùng cá chép ra sông, suối, hồ nước,… – nơi có nước chảy lưu thông để thả cá và tiễn ông Công, ông Táo về trời.

Lễ cúng ông Công, ông Táo và những lưu ý phải ghi nhớ
Tránh thả cá ở hồ có nước bẩn hay ao tù, và không thả cá từ trên cao, bởi điều này có thể gây chết cá

Bạn chú ý tránh thả cá ở hồ có nước bẩn hay ao tù. Đồng thời, bạn cũng không nên thả cá từ trên cao, bởi điều này có thể làm cá chết. Ngoài ra, bạn không được thả kèm túi nilong để tránh làm ô nhiễm môi trường.
Trên đây là một vài lưu ý phải khi nhớ khi làm lễ cúng ông Công, ông Táo. Với những thông tin này, hy vọng các gia đình có thể tiến hành một nghi thức cúng trọn vẹn nhất trong ngày 23 tháng Chạp và tránh được một số sai lầm thường gặp trong lễ cúng.

Chia sẻ nếu thấy hữu ích